Những câu truyện về các vị vua việt

2014-10-14 21:28

Ông vua Việt nổi tiếng mê tín
Năm Lý Thần Tông 21 tuổi, nhà vua bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ.
Vua Lý Thần Tông (1116 – 1138) trị vì từ năm 1127 đến năm 1138. Ông "sáng chói" hơn các vị vua khác trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam ở chỗ rất ưa tin dị đoan.

Minh chứng điển hình nhất là ngay về thân thế của nhà vua, có giai thoại rằng Lý Thần Tông chính là do nhà sư Từ Đạo Hạnh thác hóa đầu thai mà có. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: "Vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý. Vị thiền sư đã thoát xác tại chùa Thiên Phúc năm 1116, ngay trước khi Lý Dương Hoán, tức Vua Lý Thần Tông sau này, ra đời".

Cũng theo một số tài liệu, năm Lý Thần Tông 21 tuổi, nhà vua bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Các lương y trong thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn hàng vạn, đều chịu khoanh tay. Thế nhưng, thiền sư Minh Không, với bài thuốc: nấu một vạc lớn sôi tới cả trăm lần, rồi dùng tay không quấy lên khoảng bốn lần, tắm vua trong đó. Ngay sau đó, bệnh của nhà vua bớt ngay và ít lâu sau thì khỏi hẳn.


Sử sách ghi, việc thiền sư Minh Không chữa bệnh cho Lý Thần Tông đã được ấn định từ trước. Khi sắp viên tịch, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã cho gọi Minh Không đến mà dặn rằng: "Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau". Nói xong, đưa cho Minh Không một gói thuốc đã được niệm chú dặn rằng: 20 năm sau, nếu nghe quốc vương bị bệnh thì lập tức đến chữa trị ngay.


Nếu câu chuyện trên của Vua Lý Thần Tông chỉ dừng ở truyền thuyết thì không có gì để nói tiếp. Thế nhưng, trong cuộc sống thường ngày, nhà vua cũng có thể coi là người siêu mê tín. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Nhà vua rất thích những vật lạ, phàm ai có hươu trắng hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng ... đều đem dâng Vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng (cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Nhà vua cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân tâu: "Cá là loài nhỏ mọn mà Bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì Bệ hạ sẽ làm sao?". Bởi lời ấy, việc này mới thôi."


Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bấy giờ, Vương Cửu là lính ở Tả Hưng Vũ đem dâng con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành tám chữ: Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế (Nghĩa là: sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân - đây chỉ vua Lý Thần Tông muôn năm).

Bàn về điều này, Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, lời cáp môn sứ Lý Phụng Ân kể cũng là lời thẳng thắn, tiếc là Vua vẫn chứng nào tật nấy. Biết sao hơn được, bởi nhân cách Nhà vua đã định hình quá sớm mất rồi... Hậu thế cũng khéo khen cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ, xu nịnh một người làm hư hại phong hóa một thời, mưu chút lợi nhỏ cho riêng thân để muôn người chê bai.

Chuyện 'được vợ' ly kỳ của các ông vua Việt

Hồ Quý Ly một lần tình cờ thấy câu thơ được vạch trên cát. Không ngờ đó là định mệnh cho ông lấy được công chúa Nhất Chi Mai làm vợ sau này.
Cả chính sử lẫn giả sử đều cho rằng, Hồ Quý Ly và Nhất Chi Mai (Huy Ninh công chúa) là một thiên tình sử, mà bất cứ ai thời đó đều mơ ước. Tương truyền, Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ: "Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai" (tức trong cung Quảng Hàn có một cành mai) và nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó.
Về sau, Quý Ly dần dà được làm quan. Sách Việt sử giai thoại chép: "Vào một ngày nọ, vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử. Sân điện ấy có đến hàng ngàn cây quế. Nhà vua nhân đó ra câu đối rằng: "Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế" (tức trước điện Thanh Thử có hàng ngàn cây quế). Bầy tôi theo hầu chưa ai kịp đối. Lê Quý Ly nhớ lại câu văn trên bãi cát ven sông thuở nào, liền đối lại."



Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh. Nghĩa là: Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế, Quảng Hàn cung nọ một cành mai. Nghe xong các quan đều phục tài Hồ Quý Ly, vua Trần càng kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai. Nàng ở trong cung cấm không ra đến ngoài. Vua hỏi Quý Ly: "Nhà ngươi làm sao biết được trong cung tả ta có công chúa tên Nhất Chi Mai, tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?"


Quý Ly cứ tình thực tâu bày. Hoàng đế nói: "Đấy là số trời!" Và có thể vì lẽ cho là chuyện lạ, duyên trời đã định, nhà vua đã gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Nhờ đó, Quý Ly cứ phất như "diều gặp gió". Đối với hai vua cuối nhà Trần, với tư cách Phụ chính lại là cha vợ và sau cùng, là ông ngoại của vua, Hồ Qúy Ly có đủ mọi điều kiện thuận lợi để chuyên quyền... rồi giành ngôi báu.

Cũng theo sử sách, thời còn bôn ba lánh nạn, Nguyễn Ánh - Gia Long đã có nhân duyên tình cờ với cô gái xứ cù lao Ông Chưởng. Cụ thể, sách Việt Nam phong tình cổ lục ghi: "Trong những ngày đi lánh nạn, một lần chúa một mình trốn về cù lao Ông Chưởng. Vì ở nơi khác tới, để tránh tai mắt của triều Tây Sơn nên Nguyễn Phúc Ánh phải náu mình trong một bụi rậm.
Bên bờ sông, gần chỗ ông đang ẩn mình, có một cô thôn nữ trông xinh xắn đang lội bắt cá, quần áo lấm lem bùn đất mà không biết có người đang lặng nhìn theo. Thế rồi, bỗng nhiên, cô gái hét lên vì bị thụt xuống một hố sâu. Nguyễn Ánh đã quên bản thân đang bị lùng bắt, bất chấp nguy hiểm, vụt lao ra cứu người đẹp."


Sau khi được cứu sống, cô gái này vì cảm kích, nắm rịt lấy tay ông kéo về nhà bắt sống chung, vì theo tục lệ ở đây, khi người con gái nào đã bị người con trai ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng. Thế là cuộc tình duyên bất đắc dĩ này lại là sự may mắn, mở ra một đường sống cho chúa Nguyễn, nhờ đó ông được nhà vợ giấu kín; thậm chí còn giúp đi thăm dò, tìm kiếm giúp Nguyễn Ánh các cận thần đang lưu tán để tụ họp lại, bàn mưu tiếp tục sự nghiệp "phục quốc".

Dân gian lưu truyền rằng, khi đã lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Ánh - Gia Long đã mất hẳn ký ức về người vợ nhặt này. Tuy nhiên, lại có giai thoại rằng, cô gái cù lao Ông Chưởng đó chính là bà Tố Lan. Sau khi thu giang sơn về một mối, Gia Long đã cho rước bà Tố Lan về kinh đô, phong làm Chánh hậu.

Sách Kể chuyện các Vua Nguyễn cũng viết, trong số các vị vua triều Nguyễn, chuyện "kiếm vợ" của Thành Thái cũng rất độc đáo. Vào một ngày Tết Nguyên Đán, nhà vua cải trang thành dân thường, tính đi "liều" lên Kim Long để tìm chọn một quý phi. Đến nơi nhìn khắp đó đây, không gặp ai vừa ý, thất vọng, ông liền thuê một chiếc đò ra về.

Khi đò vừa ghé vào, bước lên trên, ông trông thấy cô lái, khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng vị quân vương bỗng xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng… Ông gọi cô gái đang ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột: "Nì,o tê! O có muốn lấy vua không ?".

Cô lái đò nhìn ông khách lạ đời đáp: "Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chứ!". Thấy thế, vua Thành Thái đổi giọng: "Tui nói thiệt đó, O có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!".



Nghe thế cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn lơ chỗ khác. Một quan khác qua đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc chừng như vừa mới dự lẽ về, tủm tỉm cười, vui vẻ bảo cô lái: "Ni,O tê! O cứ nói "ưng" để coi thử nờ!". Và cô lái đò đánh bạo nói nhanh: "Ưng!"
Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng, ông bảo: "Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho! Nói rồi đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên vui vẻ của mọi người... Đến trước Kinh thành, vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương (trước Phu Văn Lâu) và bảo mọi người: "Thôi thiên hạc đứng dậy trả tiền đò cho Trẫm và tiễn đưa Quý phi vào cung".
Vậy là cô lái đò Kim Long vô nội cung, làm quý phi của Vua Thành Thái. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại do dân gian tạo ra chứ kỳ thực, vua Thành Thái mê một nàng kiều nữ đất Kim Long nhưng đó là con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.